Chủ nhật, 05/05/2024, 20:31[GMT+7]

Lai Châu: Xây dựng nông thôn mới ở các huyện biên giới

Thứ 3, 17/11/2020 | 14:57:40
759 lượt xem
Với xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều... hầu hết các huyện biên giới tỉnh Lai Châu đều gặp khó khăn trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình, đến nay, cơ sở hạ tầng ở các huyện miền núi đã có những đổi thay tích cực, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, nâng cao.

Đồng bào dân tộc bản Mán Tiển, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ thường xuyên tham gia vệ sinh đường bản, ngõ xóm

Mường Tè: Cả hệ thống chính trị xây dựng nông thôn mới

Huyện Mường Tè có đường biên giới với Trung Quốc bao gồm các dân tộc: Thái, H'Mông, La Hủ, Hà Nhì, Si La, Cống... cùng sinh sống. Chương trình xây dựng NTM được huyện xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Vì vậy, ngay từ đầu, Mường Tè đã huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã vào cuộc xây dựng NTM. Huyện đã sớm thành lập Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với thành viên là lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện. Ở tuyến xã cũng vậy, Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM cũng nhanh chóng được thành lập và đi vào hoạt động. Các thành viên Ban chỉ đạo của huyện, xã đều được phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng.

Đặc biệt, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, huyện Mường Tè đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM. Đi đôi với công tác tuyên truyền, vận động, các ban, ngành, đoàn thể của huyện còn thường xuyên cử cán bộ xuống các xã, bản giúp người dân làm NTM. Các phong trào thi đua như: “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, “Nhân dân các dân tộc huyện Mường Tè chung tay xây dựng NTM” hay cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”... thu hút được sự hưởng ứng và tích cực tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân trong huyện. Qua công tác tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân đã được nâng lên, vai trò chủ thể của người dân được chú trọng. Từ đó, người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực tham gia xây dựng NTM, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp các xã, các bản.

Từ xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều, đến nay, huyện Mường Tè đã có 2 xã đạt chuẩn NTM với số tiêu chí bình quân đạt gần 15 tiêu chí/xã. Các công trình: Đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà văn hóa... được huyện quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Nhiều tuyến đường nội bản được bê tông hóa, thuận tiện cho bà con đi lại và sản xuất. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Phong Thổ: Huy động mọi nguồn lực để vượt khó

Với đặc thù là huyện biên giới khó khăn của tỉnh Lai Châu, Phong Thổ đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực để vượt khó xây dựng nông thôn mới. Điều này góp phần hiện đại hóa hạ tầng nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con.

Huyện Phong Thổ hiện có 9 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%. Toàn huyện có 16 xã đều nằm trong khu vực đặc biệt khó khăn; trong đó, 12 xã vùng cao biên giới. Bắt tay xây dựng NTM từ năm 2011, huyện đã triển khai các đề án: Cứng hóa đường giao thông nội bản các xã, thị trấn trên địa bàn huyện giai đoạn 2010 - 2015, hỗ trợ kinh phí mua mua xi măng cho các xã, thôn, bản làm đường giao thông nội bản; xây dựng trường chuẩn quốc gia huyện Phong Thổ giai đoạn 2016 - 2020; phát triển kinh tế các xã vùng cao biên giới giai đoạn 2016 - 2020, hỗ trợ nhân dân 8 xã khu vực vùng cao phát triển kinh tế.

Giai đoạn này, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ theo lộ trình, kế hoạch của từng năm, trong đó, chú trọng tuyên truyền để người dân hiểu, tự giác thực hiện. Các nội dung được huyện cấp kinh phí đều được bàn bạc thống nhất với nhân dân để triển khai đảm bảo tính công khai, dân chủ, dân biết, dân bàn và dân kiểm tra. Đồng thời, thực hiện giám sát chặt chẽ các công trình, dự án được đầu tư, lấy chất lượng làm trọng tâm, trọng điểm. Từ đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của cán bộ và nhân dân trong xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, Phong Thổ còn tổ chức phát động các phong trào thi đua xây dựng NTM trong toàn huyện và ở từng xã. Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện và Ban Thi đua khen thưởng huyện tăng cường việc kiểm tra, hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch thực hiện các cuộc vận động thi đua xây dựng NTM. Tăng cường việc gắn kết các hoạt động về xây dựng NTM với bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm nhằm tạo ra phong trào sâu rộng trong toàn huyện.

Với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, sự nỗ lực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, Phong Thổ phấn đấu hết năm 2020 có 4/17 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 15,06 tiêu chí/xã. Đồng thời, chú trọng tăng thu nhập cho người dân thông qua các mô hình phát triển kinh tế; tạo điều kiện cho hộ nghèo, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ xã hội; phấn đấu cán đích NTM theo lộ trình đã đề ra.

Theo congthuong.vn