Chủ nhật, 05/05/2024, 05:12[GMT+7]

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giảng dạy lý luận chính trị

Thứ 2, 04/12/2023 | 09:57:40
3,554 lượt xem
Trên mặt trận nền tảng tư tưởng của Đảng, đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị thuộc hệ thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị cấp tỉnh là chiến sĩ tiên phong, xung kích trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng.

Giờ học tập lý luận chính trị tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại Trường Chính trị tỉnh Thái Bình

Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là nội dung cơ bản và hệ trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đại hội XIII xác định: “Nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; coi trọng hơn nữa công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Theo đó, việc nâng cao chất lượng các bài giảng thuộc chương trình đào tạo trung cấp chính trị là giải pháp quan trọng, góp phần tích cực, hiệu quả đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu tích hợp, lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giảng dạy lý luận chính trị

Việc tích hợp, lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với các bài giảng lý luận chính trị hướng tới mục tiêu bảo vệ công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; bảo vệ nền hành chính nhà nước, Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; bảo vệ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như quản lý các phương diện của đời sống xã hội ở cơ sở như: Ngân sách, đất đai, địa giới hành chính, xây dựng, kinh tế, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế, hành chính tư pháp, cải cách hành chính, kiểm tra và cưỡng chế hành chính.

Nội dung tích hợp

Giảng viên lý luận chính trị đưa vào bài giảng những nội dung gắn với thực tiễn cuộc sống đang diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; chỉ rõ những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Đặc biệt, trong từng đơn vị bài giảng chú trọng gắn kết với thực tế ở cơ sở nhất là cấp xã, phường, thị trấn. Đánh giá những kết quả nổi bật đã đạt được trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các lĩnh vực khác trên địa bàn, cộng đồng dân cư. Đồng thời, liên hệ mở rộng với vị trí công tác của người học. Thông qua việc tích hợp, lồng ghép các nội dung này, khẳng định và bảo vệ tính đúng đắn cả về mặt lý luận và thực tiễn trong quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Lan tỏa những điểm mới trong nhận thức, quan điểm chỉ đạo, tầm nhìn và định hướng của Đảng; các đột phá chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết các kỳ Đại hội, nhất là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; vạch trần và phản bác các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trên từng lĩnh vực cùng những hoạt động chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước của các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị.

Phương thức tích hợp 

Nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với các bài giảng lý luận chính trị có thể tiến hành theo nhiều phương thức với các loại hình hoạt động đa dạng như: tranh luận, thảo luận, đối thoại, làm việc nhóm, thực hiện dự án, steam, nghiên cứu tình huống, đóng vai, thuyết trình… Tận dụng tối đa tài nguyên có sẵn trên không gian mạng. Cung cấp cho người học các liên kết, địa chỉ tin cậy có thể truy cập miễn phí nguồn học liệu mở liên quan đến chủ đề giảng dạy, học tập và nghiên cứu; kết hợp hình ảnh, video clip… tạo không khí giờ học trở nên sinh động hơn. Đồng thời, giúp người học có các kỹ năng khác ngoài kiến thức trên lớp. Thông qua các hình thức tổ chức đó, khẳng định, tuyên truyền, lan tỏa các giá trị nền tảng tư tưởng của Đảng; nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; củng cố nhận thức, nâng cao bản lĩnh cách mạng của giảng viên và người học.

Trong điều kiện hiện nay, trước tác động đa chiều của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và thông tin, các thế lực thù địch, phản động đang ráo riết, tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và cách mạng nước ta trên nhiều phạm vi, lĩnh vực với tần suất dày đặc, với cấp độ ma trận quy mô cùng những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, phức tạp. Những tư tưởng đó rất khó phân biệt, nhận diện, gây ra những tác động tiêu cực và hậu quả khó lường, tổn hại lớn đến tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Không chỉ tấn công về mặt lý luận mà còn bao hàm các vấn đề thực tiễn mới nảy sinh, cả về tổ chức, con người và hoạt động; tấn công vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của đội ngũ cán bộ, đảng viên; gây hoài nghi, mất phương hướng và niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Thực tế trên đặt ra yêu cầu đòi hỏi khách quan và cấp thiết đối với chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị hiện nay là tích hợp, lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao chất lượng các bài giảng lý luận chính trị. Đây là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn và phức tạp, cần phải có sự đầu tư và thực hiện nghiêm túc, kiên trì, bền bỉ, lâu dài từ các nhà trường, học viện cho đến giảng viên và đối tượng người học.

ThS. Trần Thị Lệ Chi 

(Trường Chính trị tỉnh Thái Bình)






  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày