Thứ 7, 11/05/2024, 12:12[GMT+7]

Cần “3 nhanh, 3 đủ” trong sản xuất vụ mùa

Thứ 6, 10/06/2022 | 08:32:05
1,398 lượt xem
Vụ mùa năm 2022 được dự báo là vụ gặp nhiều thách thức về lịch thời vụ, giá vật tư đầu vào tăng cao, thời tiết và sâu bệnh hại diễn biến phức tạp. Để khắc phục những khó khăn hiện hữu, quyết tâm giành thắng lợi ở vụ mùa, các địa phương cần thực hiện tốt “3 nhanh, 3 đủ”: thu hoạch nhanh - làm đất nhanh - gieo cấy nhanh, đủ lượng giống - đủ nước - đủ phân bón.

Nông dân huyện Đông Hưng thu hoạch lúa xuân.

Thời tiết mưa rét đầu vụ làm lúa xuân sinh trưởng chậm hơn so với các vụ xuân năm trước, giai đoạn từ khi lúa trỗ đến chín có mưa nhiều, ảnh hưởng đến thời gian thu hoạch. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, đến ngày 3/6 toàn tỉnh mới thu hoạch được khoảng 5.000ha lúa xuân trà sớm, cùng kỳ năm 2021 thu hoạch đạt 43.000ha. Dự kiến lúa xuân thu hoạch tập trung từ ngày 10 - 25/6, có khoảng gần 1.000ha thu hoạch đầu tháng 7. Đây sẽ là áp lực rất lớn cho sản xuất vụ mùa. 

Ông Mai Thanh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Về thời vụ, chúng tôi khuyến cáo tới các địa phương kết thúc cấy càng sớm càng tốt, phấn đấu xong trước ngày 25/7 để tránh mưa lớn giai đoạn đầu vụ đồng thời bảo đảm một số giống lúa trỗ trước ngày 15/9 trong khung thời vụ an toàn. Đây là mục tiêu khá khó khăn bởi đến đầu tháng 6 vẫn còn một số diện tích lúa xuân (cấy muộn do ảnh hưởng của rét đậm đầu vụ) trỗ bông. Ngoài việc khuyến cáo các địa phương tập trung mọi phương tiện, máy móc, nhân lực, lúa chín tới đâu thu hoạch tới đó đồng thời làm đất ngay, Chi cục chú trọng tuyên truyền lịch thời vụ tới các hộ tích tụ ruộng đất sản xuất quy mô lớn. Bằng việc trang bị nhiều thiết bị, máy móc công suất lớn, hiện đại, các hộ này có vai trò lớn trong việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất cũng như bảo đảm lịch thời vụ của địa phương.

Ông Lã Quý Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hưng cho biết: Xác định thời vụ là yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả sản xuất, công tác thu hoạch lúa xuân, làm đất chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa được huyện chỉ đạo quyết liệt. Huyện đã huy động hàng trăm máy gặt đập liên hợp thu hoạch được trên 1.000ha lúa xuân trà sớm, đồng thời chỉ đạo các địa phương thu hoạch tới đâu khẩn trương làm đất, gieo cấy vụ mùa để tránh rủi ro do thời tiết.

Giá phân bón đang ở mức rất cao, một số loại phân bón nhập khẩu tăng khoảng 80 - 100% so với cùng kỳ năm 2021 ảnh hưởng lớn đến đầu tư cũng như hiệu quả sản xuất lúa. Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương tăng cường sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh để nâng cao độ phì cho đất; bón cân đối đạm, lân, kali, tăng cường thêm phân kali để tăng tính chống chịu với bệnh bạc lá, chống đổ ngã với phương châm bón lót sâu, thúc sớm.

Mạ dược trà lúa đại trà gieo mạ từ ngày 20 - 25/6.

Do thời gian cắt vụ không có nên cầu nối sâu bệnh được duy trì liên tục, nền nhiệt lại thuận lợi cho rầy, bệnh bạc lá phát triển. Trong cơ cấu giống, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương sử dụng giống ngắn ngày cho trà lúa mùa sớm, đặc biệt áp dụng quy trình cấy hàng rộng, hàng hẹp để thuận lợi cho việc đặt bầu trồng cây vụ đông ưa ấm; tăng cường sử dụng các giống có chất lượng cao, chống chịu khá với bệnh bạc lá đồng thời tiếp tục phát triển các giống đặc sản, giống đã xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu để nâng cao giá trị. Nhóm lúa thuần chất lượng cao chiếm 42 - 45% diện tích, nhóm lúa có năng suất cao, chịu thâm canh chiếm 55 - 58% diện tích. Nông dân thu hoạch đến đâu làm đất, vùi sâu gốc rạ đến đó, giữ nước trên ruộng. Ngoài ra, nên bón thêm vôi bột hoặc một số chế phẩm sinh học để tăng cường phân hủy rơm rạ, hạn chế nguồn sâu bệnh và tránh ngộ độc hữu cơ cho lúa mùa. Lượng mưa được dự báo ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tập trung các tháng 8, 9, 10, vì vậy các địa phương cần hạn chế tối đa việc gieo thẳng do khả năng bị chết do nắng nóng và mưa lớn đầu vụ.

Tuy lúa xuân mới bắt đầu cho thu hoạch nhưng sản xuất vụ mùa đang cận kề. Cùng với các giải pháp đẩy nhanh tiến độ sản xuất, khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nguy cơ xuất hiện các mặt hàng kém chất lượng, hàng giả... rất cao, do đó các cơ quan chuyên môn, địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm ổn định thị trường vật tư nông nghiệp.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày