Thứ 2, 06/05/2024, 12:19[GMT+7]

Ngành Ngân hàng: Đồng hành cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19

Thứ 2, 29/06/2020 | 16:36:39
5,991 lượt xem
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua ngành Ngân hàng đã tích cực đồng hành cùng khách hàng, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn cho khách hàng phục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh.

Hoạt động giao dịch ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Trước tác động của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, từ đó kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Đến nay, các TCTD đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay mới ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) về mức 5%/năm đối với các ngân hàng thương mại và 6%/năm đối với các quỹ tín dụng nhân dân theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngoài ra, các TCTD còn tổ chức làm việc với các khách hàng, trên cơ sở đó nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để áp dụng các biện pháp hỗ trợ kịp thời theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như: giảm lãi suất cho vay mới từ 0,7 - 1,5%/năm, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử... Đến hết tháng 5/2020, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 311 khách hàng với dư nợ đạt 333,1 tỷ đồng; miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 6.563 khách hàng với dư nợ 1.211,5 tỷ đồng.

Không chỉ chú trọng thực hiện Thông tư số 01, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh còn tích cực chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh chuẩn bị sẵn sàng phương án cho người sử dụng lao động vay vốn với lãi suất 0%/năm để trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 45 của UBND tỉnh. Đến ngày 18/6, đã có 1 doanh nghiệp có hồ sơ đề nghị xác nhận điều kiện để được vay vốn và đang được chính quyền địa phương thẩm định hồ sơ theo đề nghị. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh và một số TCTD cũng thiết lập đường dây nóng, qua đó tiếp nhận và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tích cực tham gia các cuộc họp của tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trên cơ sở đó chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành áp dụng kịp thời các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Sẵn sàng cung ứng vốn cho khách hàng phát triển sản xuất

Mặc dù cũng chịu tác động chung của dịch Covid-19, lợi nhuận bị cắt giảm để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho khách hàng nhưng các TCTD trên địa bàn tỉnh đã cố gắng duy trì ổn định mức lãi suất huy động, phổ biến ở mức 4 - 7,4%/năm ở các kỳ hạn khác nhau nhằm huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư. Chính vì thế, đến hết tháng 5/2020, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đạt 78.680 tỷ đồng, tăng 7% so với thời điểm 31/12/2019; trong khi đó tổng dư nợ cho vay của toàn ngành mới chỉ đạt khoảng 59.200 tỷ đồng, tăng 0,1% so với thời điểm 31/12/2019. Từ những kết quả đó có thể khẳng định, ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng cung ứng, bảo đảm đủ nguồn vốn cho khách hàng khôi phục, duy trì và phát triển sản xuất; thậm chí đối với những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các TCTD còn cho vay mới với lãi suất giảm từ 0,7 - 1,5%/năm so với trước khi có dịch. Đến hết tháng 5/2020, các TCTD đã giải ngân gần 6.460 tỷ đồng cho 3.425 khách hàng với mức lãi suất ưu đãi đó. 

Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh: Chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được thực hiện bằng chính nguồn lực của ngành Ngân hàng, các TCTD đã phải cắt giảm chi phí và lợi nhuận để thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ. Do đó, các khách hàng khi vay vốn cần xây dựng và triển khai các phương án, dự án thực sự khả thi, tập trung các nguồn lực thực hiện có hiệu quả, cân đối được nguồn trả nợ. Cùng với đó cũng cần phối hợp chặt chẽ với các TCTD, minh bạch tài chính, chứng minh khó khăn, thiệt hại để đúng đối tượng hỗ trợ, không trục lợi chính sách đối với cả khách hàng và ngân hàng. Đây chính là cơ sở để khách hàng có thể khôi phục sản xuất và phát triển; đồng thời giúp các TCTD bảo đảm chất lượng và hiệu quả tín dụng.


Ông Nguyễn Văn Kiểm, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Bắc Thái Bình
Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Agribank Chi nhánh Bắc Thái Bình đã xây dựng các nhóm giải pháp hỗ trợ phù hợp với từng nhóm khách hàng, bảo đảm các khách hàng được hưởng kịp thời các cơ chế, chính sách của Chính phủ. Đến hết tháng 5/2020, Chi nhánh đã thực hiện hỗ trợ cho 30 khách hàng; trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 13 khách hàng với tổng dư nợ hơn 40 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 4 khách hàng với dư nợ được miễn, giảm lãi vay hơn 97 tỷ đồng; giảm 1%/năm lãi suất cho vay mới đối với VND và 0,2%/năm lãi suất cho vay mới đối với USD kể từ ngày 1/4/2020 cho 13 khách hàng với tổng dư nợ cho vay mới đạt gần 153 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chi nhánh còn thực hiện giảm các loại phí dịch vụ nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng...

Ông Đỗ Văn Vẻ, Giám đốc Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor (cụm công nghiệp Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ)
Nhờ sử dụng máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại nhập khẩu từ các hãng nổi tiếng của Thụy Sĩ, Đức, Ý bảo đảm tính tự động hóa cao, chất lượng sản phẩm tốt nên sản phẩm của Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor sản xuất ra đến đâu tiêu thụ ngay đến đó. Công ty hiện đang tạo việc làm cho gần 200 lao động với thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng. Đồng hành với sự phát triển của Công ty phải kể đến vai trò to lớn của nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình. Trong giai đoạn Công ty gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cán bộ của Chi nhánh đã chủ động thăm, động viên, tư vấn, hướng dẫn Công ty các thủ tục cần thiết để được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng như: giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí dịch vụ...

Chị Bùi Thị Thu Hường, thôn Cổ Hội Đông, xã Đông Quan, huyện Đông Hưng
Gia đình tôi kinh doanh lĩnh vực giải trí và giải khát nên thuộc diện phải đóng cửa hơn 1 tháng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Trước những thiệt hại đó, gia đình tôi đã được Quỹ Tín dụng nhân dân Đông Á hỗ trợ giảm lãi suất cho vay với dư nợ gần 1,5 tỷ đồng. Tôi cảm ơn Đảng, Chính phủ và Quỹ Tín dụng nhân dân Đông Á vì đã ban hành và triển khai thực hiện chủ trương, chính sách rất đúng, phù hợp với tình hình thực tế, từ đó góp phần giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống.

Minh Hương