Thứ 3, 30/04/2024, 16:54[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) Cựu chiến binh Nguyễn Quang Mộc và quyết tâm chiến thắng tại đồi Him Lam

Thứ 3, 16/04/2024 | 08:31:23
7,608 lượt xem
Trong những ngày cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chúng tôi cùng các cựu chiến binh (CCB) xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) tới thăm gia đình CCB Nguyễn Quang Mộc và được ông kể cho nghe về những ngày tháng chiến đấu anh dũng trên mặt trận Điện Biên Phủ cùng quyết tâm giành chiến thắng của đơn vị tại đồi Him Lam.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Mộc chia sẻ với đồng đội kỷ niệm về 5 anh em trong gia đình thời còn chiến đấu tại Điện Biên Phủ.

Nhớ mãi những ngày “khoét núi, ngủ hầm”

Năm 1954, CCB Nguyễn Quang Mộc là chiến sĩ công binh thuộc Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Ông cùng cán bộ, chiến sĩ sau 3 tháng huấn luyện thì nhận lệnh hành quân lên Điện Biên. Suốt chặng đường đi, ông gặp rất nhiều thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia mở đường, xây dựng hầm hào trú ẩn, khí thế sục sôi quyết giành chiến thắng lan tỏa suốt quãng đường hành quân.

CCB Nguyễn Quang Mộc chia sẻ: “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn” đã miêu tả đúng quyết tâm của những người chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đó vào tiết trời đầu năm, mưa nhiều nên đất nhão nhoét, khi hành quân đến Điện Biên, chúng tôi tham gia đào giao thông hào, cứ ngày nghỉ đêm đào, lấn từng tấc đất với quân địch. Có những khi đào sát vách hào của địch còn nghe được cả tiếng quân Pháp là anh em chiến sĩ lặng lẽ rút quân, đánh dấu mục tiêu để tấn công. Gian khổ nhất lúc đào hào khi có mưa, anh em cố gắng đào nhưng đất đá lại theo dòng nước cuốn xuống hầm, song không vì thế mà chúng tôi từ bỏ, sáng không đào được thì đêm xuống chúng tôi tiếp tục đào. Khi đó chúng tôi vừa nằm vừa đào, một tay kê bao cát lên phía trước mặt để tránh đạn của địch, tay còn lại dùng cuốc chim để đào lấn từng chút đất một.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, giao thông hào và những đoàn xe đạp thồ được coi là những sáng kiến lớn góp phần không nhỏ giúp quân đội ta đánh tan cứ điểm Điện Biên Phủ. Khi đó, đường giao thông hào như gọng kìm vươn dài, giúp bộ đội ta áp sát và phá tan tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp. 

CCB Nguyễn Quang Mộc nhớ lại: Tại Điện Biên Phủ, địch chủ yếu tiếp viện bằng đường hàng không, chính vì thế đơn vị của tôi được lệnh tham gia đào hào cắt ngang sân bay Mường Thanh vừa để mở đường tiến công cho quân ta vừa để cắt đứt chi viện của quân đội Pháp bằng đường hàng không. Tấn công sân bay Mường Thanh được xem là một trong những trận dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất mà đơn vị tôi tham gia.

Quyết tâm chiến thắng tại Him Lam

Cứ điểm Him Lam mà đơn vị của CCB Nguyễn Quang Mộc nhận lệnh tấn công mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ khi đó được phòng ngự chắc chắn với hệ thống chiến hào ngang dọc nối liền các cơ quan, hầm ngầm và các hỏa điểm; quân Pháp bố trí các loại súng từ trung liên, trọng liên đến bazoka, hiện đại nhất là súng phun lửa và súng có kính ngắm ban đêm, lại được bố trí thành nhiều tầng. Trong và ngoài cứ điểm Him Lam có những hệ thống mìn, dây thép gai có nơi rộng đến 100 - 200 mét, đây được coi là một công trình phòng ngự mẫu mực, hoàn hảo. 

CCB Nguyễn Quang Mộc nhớ lại: Hàng phòng ngự tại Him Lam làm rất nhiều chiến sĩ ta bị thương, hy sinh. Khi mở màn trận đánh đồi Him Lam, quân Pháp cho xe tăng, xe ủi ra san lấp toàn bộ các tuyến giao thông hào của quân ta, chúng tôi với quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời” kiên cường chiến đấu, giành giật với địch từng mét chiến hào. Từ ngày 12/3 đến 14 giờ 30 phút ngày 13/3/1954, chúng tôi đã bảo vệ thành công trận địa xuất phát xung phong và trận địa hỏa lực, chiến đấu tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam, mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi ấy chiến thắng của chúng tôi quan trọng lắm bởi nếu không thắng trận mở màn thì anh em chiến sĩ sẽ rất hoang mang, nhuệ khí sụt giảm. Nhưng với sự chỉ đạo tài tình của các đồng chí lãnh đạo cùng quyết tâm cao độ của chiến sĩ, quân ta đã có chiến thắng mở màn giòn giã.

Sau khi có chiến thắng mở màn, quân ta giải phóng được các cứ điểm quan trọng, ông Mộc cùng các chiến sĩ trong đơn vị nhận nhiệm vụ giải giáp vũ khí quân đội Pháp, trên đường áp giải tù binh trao trả cho phía Pháp ông gặp lại các anh em trong gia đình nhưng chỉ kịp chào nhau một câu và hẹn ngày giải phóng gặp lại rồi tiếp tục làm nhiệm vụ.

Thừa thắng xông lên, quân ta mở đợt tấn công từ ngày 1 - 7/5/1954 đánh chiếm các cứ điểm còn lại. Riêng tại đồi A1, cứ điểm được xây dựng kiên cố nhất, ta đánh tới 4 đợt nhưng chỉ chiếm được nửa quả đồi. Đêm ngày 6/5/1954, quân ta dùng gần 1 tấn thuốc nổ phá sập hệ thống hầm ngầm, chiếm được đồi A1. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, tướng De Castries và toàn bộ bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng. Sau này, khi xuất ngũ trở về địa phương, CCB Nguyễn Quang Mộc mới biết cả 5 anh em trong gia đình ông đã cùng nhau tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Mỗi người một đơn vị, một nhiệm vụ nhưng tất cả đều đã chiến đấu hết mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Thơi, cháu gái CCB Nguyễn Quang Mộc chia sẻ: Từ những câu chuyện của bố tôi và chú Mộc, tôi càng thêm yêu quý, biết ơn những đóng góp, hy sinh của các thế hệ đi trước. Lúc còn công tác hay khi đã nghỉ hưu, tôi vẫn luôn dạy con cháu trong gia đình phải luôn noi gương các bác, các chú, những chiến sĩ Điện Biên dũng cảm, cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trở về với đời thường, cựu chiến binh Nguyễn Quang Mộc sống đúng với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Tiến Đạt