Thứ 3, 30/04/2024, 08:08[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) Chuyện tình yêu của người chiến sĩ Điện Biên Phủ

Thứ 4, 17/04/2024 | 08:36:14
8,105 lượt xem
Giữa khói bom khốc liệt của chiến trường, tình yêu của bác sĩ quân y Trần Thị Hòa và chiến sĩ Hà Văn Tuyên (hiện trú tại tổ 18, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) đã chớm nở. Hai chiến sĩ chung một chiến hào nên duyên vợ chồng ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ.

Năm nay, CCB Trần Thị Hòa đã ở độ tuổi xưa nay hiếm. Bà tuy không thể tự đi lại và cần con cháu hỗ trợ mỗi khi di chuyển, thế nhưng khi hỏi về câu chuyện tình yêu của vợ chồng bà tại chiến trường Điện Biên Phủ thì người chiến sĩ Điện Biên trở nên minh mẫn lạ thường. 

Nhớ lại hồi ức một thời hoa lửa, CCB Trần Thị Hòa cho biết: Khi ấy, chúng tôi đều là những thanh niên hừng hực khí thế nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lên đường chiến đấu và chung một quyết tâm giành chiến thắng tại chiến trường Điện Biên Phủ. Chúng tôi đã quen và cảm mến nhau khi còn ở Thái Bình và sau khi huấn luyện thì tôi cùng anh lại chung một đơn vị chiến đấu. Khi mới lên Điện Biên Phủ, tôi làm nhiệm vụ là bác sĩ quân y tại Trung đoàn 316, Sư đoàn 98 còn anh lúc ấy là lính pháo binh tại Bộ CHQS tỉnh Lai Châu. Một người ở xã Đông Quang, một người ở xã Đông Dương (Đông Hưng) nhưng khi lên đến Điện Biên Phủ thì đúng là duyên trời định chúng tôi thành một cặp.

Những tháng ngày ở Điện Biên Phủ khốc liệt khiến CCB Trần Thị Hòa không bao giờ quên. Bà kể lại: Tôi đến Điện Biên Phủ ở giai đoạn cao điểm của chiến dịch, chiến sĩ của ta bị thương nhiều, có những ngày tôi cùng các y bác sĩ phải thức trắng đêm để hỗ trợ người bị thương, băng bó, cầm máu cho các chiến sĩ. Khi đó, anh Tuyên cũng đang góp sức tại tiền tuyến nên cả hai đành gác lại nỗi nhớ nhung để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Tôi nhớ nhất là khi nghe tin trận địa pháo của anh bị bom đánh trúng, các chiến sĩ chung một họng pháo đều hy sinh, rất may khi đó anh chỉ bị áp lực của bom nổ và bị chấn thương ở tai khiến cuộc sống sau này đôi lúc gặp khó khăn bởi di chứng chiến tranh. Tôi còn nhớ mãi lời anh dặn trước lúc tham gia chiến dịch: “Tổ quốc là trên hết, giặc tan ta mới trở về”, chính vì thế nên khi nghe tin người yêu mình bị bom đánh trúng, tôi cũng cố gắng nén lại nỗi đau, sự lo lắng của bản thân mà tiếp tục nhiệm vụ cứu chữa cho các chiến sĩ.

Cựu chiến binh Trần Thị Hòa chia sẻ với đồng đội những kỷ niệm về câu chuyện tình yêu của mình tại chiến trường Điện Biên Phủ.

Nhớ lại thời chiến đấu ở Điện Biên Phủ, tình cảm nam nữ trên chiến trường là điều hết sức hạn chế, thế nên mỗi khi gặp nhau trong hầm chiến đấu, bác sĩ quân y Trần Thị Hòa và chàng lính pháo binh Hà Văn Tuyên lại tranh thủ giành cho nhau những lời thăm hỏi, động viên và sự quan tâm đặc biệt. 

Bà Hòa nhớ lại: Anh ấy ngoài nhiệm vụ là lính pháo binh thì cũng trực tiếp kéo pháo vào, kéo pháo ra, tham gia đào đắp giao thông hào và vận chuyển người bị thương đến nơi cứu chữa. Có những lần hai người gặp nhau trong giao thông hào và chỉ kịp nhìn nhau, rồi ai lại vào việc của người ấy. Những ngày chiến đấu ở Điện Biên Phủ đã khiến chúng tôi càng thêm quý trọng tình cảm dành cho nhau, có khi anh hái được bông hoa cũng đem tặng cho tôi.

Tình yêu của chúng tôi bình dị, đơn sơ là thế rồi trở thành vợ chồng ngay sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Chúng tôi có 7 người con, trong đó 6 người là CCB; gia đình không chỉ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ mà cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Giờ đây, các con tôi đều đã nghỉ công tác nhưng luôn phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, tiếp tục cống hiến và xây dựng quê hương phát triển.

Bà Hà Thị Toan, con dâu CCB Trần Thị Hòa chia sẻ: Mẹ chồng tôi sống rất hòa nhã với người dân trong khu dân cư. Bà luôn dạy chúng tôi phải sống hòa thuận với anh em trong gia đình, gắn kết với người dân xung quanh nên bản thân tôi sau khi nghỉ công tác cũng tham gia công tác hội phụ nữ và xây dựng phong trào dân vũ của tổ dân phố 18. Từ ngày thành lập đến nay, câu lạc bộ dân vũ tổ 18, phường Trần Lãm đã quy tụ rất đông chị em tham gia phong trào văn nghệ, thể thao và trở thành điểm sáng trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” của phường Trần Lãm.

Ông Phạm Xuân Nghĩa, Chủ tịch CCB phường Trần Lãm cho biết: Hiện nay, các CCB từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ sinh sống ở trên địa bàn không còn nhiều. Mỗi cán bộ, hội viên CCB phường Trần Lãm luôn cố gắng phát huy truyền thống cách mạng quý báu của các thế hệ cha anh đi trước, cống hiến hết mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi luôn ghi nhận và nhớ đến những hy sinh, đóng góp to lớn của những chiến sĩ Điện Biên đã làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Hồng Quân