Thứ 7, 27/04/2024, 18:33[GMT+7]

“Nhà báo” U90 nhiệt huyết

Thứ 2, 19/06/2023 | 08:52:08
7,916 lượt xem
Dù đã ở tuổi 83 nhưng niềm đam mê với con chữ, cây bút vẫn luôn cháy bỏng trong trái tim “nhà báo”, “nhà văn” Minh Lệ, xã Minh Khai (Vũ Thư). Ông là một trong những cộng tác viên gắn bó với Báo Thái Bình gần 60 năm qua.

“Nhà báo” U90 Nguyễn Minh Lệ, xã Minh Khai (Vũ Thư) vẫn say mê, nhiệt huyết với nghề báo, sáng tác văn thơ.

Những kỷ niệm sâu sắc

Minh Lệ sinh năm 1940, cùng làng Thọ Lộc, xã Minh Khai với nhà văn Minh Chuyên. Không biết có phải do sinh ra và lớn lên ở đất văn, đất học hay không mà từ trẻ thầy giáo Minh Lệ vừa yêu nghề dạy học lại yêu và thấm nghiệp báo chí, văn chương. Ông kể, năm 1965, khi đang là hiệu trưởng trường quê, ông được chứng kiến phong trào thi đua sôi nổi của thanh niên, nhân dân xã Minh Khai vượt khó, đào kênh để dẫn nước từ sông lớn vào đồng ruộng phục vụ sản xuất. Mong muốn khích lệ, cổ động tinh thần và tuyên truyền việc làm tốt của địa phương nên ông quyết định viết 1 bài báo gửi về Báo Thái Bình tiến lên. Sau 2 ngày nắn nót viết từng câu, từng chữ, sửa đi, sửa lại, ông hoàn thành bài viết “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, hăm hở đạp xe lên thị xã Thái Bình, tìm đến tòa soạn Báo để gửi bài. Nhưng đến nơi thì trời nhá nhem tối, tòa soạn đã hết giờ làm việc. Ông lại hỏi thăm, tìm đến tận nhà đồng chí Nguyễn Văn, khi đó làm công tác biên tập của Báo để gửi bài viết. 2 tuần sau, bài viết được đăng trên Báo Thái Bình tiến lên, ông sung sướng, hạnh phúc vô cùng. Đây là tác phẩm đầu tiên, khởi đầu cho hàng trăm bài báo ông viết sau này.

Những đề tài ông chọn để viết thường là những câu chuyện giản dị, đầy chất nhân văn về cuộc đời của những người dân xung quanh ông, những tấm gương người tốt, việc tốt cần nhân rộng. Say sưa, nhiệt huyết viết báo nên trước kia hầu như năm nào ông cũng được Báo Thái Bình tiến lên, nay là Báo Thái Bình tuyên dương, gặp mặt cộng tác viên tiêu biểu. 

“Thời kỳ đó, cả tỉnh chỉ có khoảng 15 - 17 cộng tác viên vinh dự được Báo mời tuyên dương, gặp mặt, cảm xúc tự hào, hạnh phúc lắm. Tôi vẫn nhớ, trước kia có năm hội nghị tổ chức ở xã Đông Đô (Hưng Hà), có năm tổ chức ở xã Nguyên Xá (Đông Hưng), có năm tổ chức ở xã Minh Lãng (Vũ Thư)... Cộng tác viên chúng tôi đạp xe xa, vất vả lắm, phần thưởng chỉ là 10 bao diêm, có khi là 1 chiếc khăn mùi xoa, khi thì 1 chiếc bút máy Trường Sơn, sang hơn thì được 1 bánh xà phòng Liên Xô. Vậy nhưng ai cũng phấn khởi, về được bà con làng xóm xuýt xoa, khen ngợi, trân trọng gọi là “nhà báo”, càng thêm hãnh diện, tự hào, càng hăng say viết” - ông Lệ kể lại.

Ấn tượng sâu sắc nhất trong cuộc đời viết báo của ông Lệ là lần gặp gỡ bà Nguyễn Thị Phương, xã Hòa Bình (Vũ Thư) năm 2016 để nghe bà kể chuyện đời mình. Hoàn cảnh éo le do chiến tranh đưa đẩy và tình người sâu sắc của bà Phương và 2 người chồng cũ - mới khiến ông vô cùng xúc động. Đặc biệt, thời điểm đó bà Phương đã hơn 90 tuổi, kể xong bà rơm rớm nước mắt, nắm chặt tay ông khẩn khoản: “Anh Lệ cố gắng viết bài, đăng báo thì mang đến đây đọc cho lão nghe với, phải nhanh nhanh chứ lâu quá thì lão sợ không đợi được!”. Ông Lệ về, trăn trở với lời bà lão dặn nên cố gắng viết thật chỉn chu, tỉ mỉ. Khi tác phẩm được đăng trên Báo Thái Bình và Tạp chí Người cao tuổi, ông liền mang đến đọc cho bà Phương nghe. Bà xúc động, cứ khóc nấc nghẹn ngào làm tôi cũng khóc theo, đọc bài báo mà tôi phải dừng lại mấy lần.

Sau bài báo đầu tiên năm 1965, đến nay ông Lệ đã viết được trên 120 tác phẩm báo chí, chủ yếu ở thể loại tin, bút ký, phản ánh, đăng tải trên Báo Thái Bình, Báo Quân đội nhân dân, Báo Người cao tuổi, Báo Cựu chiến binh Việt Nam... Ngoài ra ông còn sáng tác được hơn 300 bài thơ, truyện ngắn, bút ký văn học, xuất bản 2 tập sách “Ký ức quê hương” và “Mùa táo”.

Nhiệt huyết luôn cháy trong tim

Phòng làm việc của ông Lệ bây giờ vẫn đầy ắp sách, báo, tạp chí và chiếc laptop vẫn hoạt động hàng ngày. “Vì say mê viết báo, viết văn nên tôi rất chăm chỉ học hỏi. Trước kia tôi luôn có 1 chiếc radio, 1 cuốn sổ tay gối đầu giường. Mỗi khi nghe tin tức, gặp được câu từ hay trên đài tôi thường ghi lại vào sổ để học hỏi, sử dụng. Tôi tự đặt một số báo, tạp chí định kỳ về đọc. Đối với Báo Thái Bình, Báo Nhân Dân, ngày nào tôi cũng đến nhà đồng chí bí thư chi bộ mượn đọc, ghi chép tóm tắt lại các ý chính. Nhiều nội dung hay, tôi còn đọc, truyền đạt lại cho đảng viên cùng nghe trong mỗi dịp sinh hoạt chi bộ. Cách đây 6 - 7 năm, ở tuổi gần 80 tôi quyết định mua 1 chiếc laptop về để tự soạn thảo bài viết trên máy, thuận tiện hơn cho việc cộng tác với các báo. Do tuổi đã cao nên tôi khá vất vả để học cách gõ văn bản, tuy nhiên tôi không nản mà kiên trì nhờ 1 thầy giáo mới nghỉ hưu chỉ bảo, kèm cặp cho. Đến nay tôi đánh máy khá thành thạo, có ngày mê mải viết quên cả giờ ăn cơm. Toàn bộ các bài viết gửi cộng tác những năm gần đây và tập sách “Ký ức quê hương” hơn 300 trang do tôi trực tiếp soạn thảo trên máy tính, không còn phải viết tay như trước nữa".

Tuổi cao, nhiều người ngại đi lại, di chuyển nhưng “nhà báo” Minh Lệ vẫn “xông xáo” làng trên xóm dưới, vừa để tìm hiểu, nắm bắt tình hình, đời sống vừa tìm cảm hứng cho các tác phẩm báo chí, văn, thơ. Ông kể lại: Tôi nhớ mãi lần phỏng vấn cựu chiến binh Vũ Văn Nghĩa, xã Minh Lãng, người 3 lần được gặp Bác Hồ. Nhân vật kể say sưa quá, còn tôi thì chưa có kinh nghiệm nên dù đã đến nhà ông Nghĩa 2 lần, ghi chép tỉ mỉ nhưng khi về viết bài vẫn bị thiếu nhiều thông tin quan trọng. Tôi không ngại khổ, ngại khó, quay trở lại thêm vài lượt nữa, gặp ông Nghĩa khai thác đầy đủ thông tin để bài viết thật trọn vẹn.

Ngoài viết báo, viết văn, mỗi ngày ông Lệ còn tích cực tham gia công tác khuyến học, nhân đạo, tuyên giáo, văn hóa, thể dục thể thao của thôn, xã. “Tôi có một khát khao, ước mơ mình luôn có sức khỏe để được đi nhiều hơn, viết nhiều hơn, có nhiều tác phẩm chân thực, ý nghĩa hơn và được cống hiến cho các phong trào của quê hương” - ông chia sẻ.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày