Thứ 3, 07/05/2024, 04:56[GMT+7]

Người chiến sỹ tình báo quê lúa ở Tử ngục Chín Hầm

Thứ 3, 05/07/2011 | 07:54:56
6,866 lượt xem
Sách “Tử ngục Chín Hầm và những điều ít biết về Ngô Đình Cẩn”, viết về cụ Vu như sau: “ ông Bùi Bá Vu ( ? – 1965), Tổ trưởng tổ tình báo; người thôn Kim Bảng, huyện Đông Quan - nay là huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. ông tham gia cách mạng từ những ngày đầu của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám /1945. Vào Đảng năm 1948, rồi trở thành huyện ủy viên huyện Đông Quan.

Trung tuần tháng 4 năm 2011, nhân chuyến đi dự hội nghị toàn quốc do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, đoàn cán bộ của Hội Nhà báo tỉnh Thái Bình và một số tỉnh phía Bắc ghé thăm thành phố Huế.

 

Trong buổi tiếp xúc với các đồng nghiệp ở Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên - Huế, một số phóng viên đã từng làm báo trong Quân đội đề xuất được đi thăm khu di tích lịch sử Chín Hầm, nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” dưới thời Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Cẩn. Rất may, tác giả cuốn  sách “ Tử ngục Chín Hầm và những điều ít biết về Ngô Đình Cẩn” lại chính là nhà văn - nhà báo Dương Phước Thu, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên - Huế, người đang tiếp đón chúng tôi.

 

Sau những câu chuyện xã giao với các đồng nghiệp, anh Thu quay sang tôi nói:

- ở Thái Bình, có ông Bùi Bá Vu, một chiến sỹ tình báo được đưa từ Sài Gòn ra giam giữ ở đây, là một trong số ba tù nhân “ đặc biệt”, song tư liệu tôi tập hợp được còn quá ít, mong anh tạo điều kiện giúp đỡ.

 

Tôi nhận lời ngay. Để có tư liệu phục vụ công tác sưu tầm, tôi xin được mua lại cuốn sách mới xuất bản đó. Anh Thu cho biết sách được viết dưới dạng “ Hồ sơ di tích”, do Nhà xuất bản Thuận Hóa và Công ty Du lịch Hương Giang phối hợp ấn hành từ tháng 5 năm 2006. Sau 5 năm phát hành, sách được đông đảo bạn đọc đón nhận một cách nhiệt thành. Thể theo yêu cầu của đơn vị quản lý di tích lịch sử cách mạng Chín Hầm, Nhà xuất bản Thuận Hóa cho tái bản lần thứ nhất, có sửa chữa, bổ sung, song anh không còn cuốn nào, mặc dù mới phát hành tháng 7 năm 2010. Anh nói: Vào khu di tích, các anh hỏi xem còn không nhé.

 

Chia tay anh chúng tôi vào khu di tích. Đồng nghiệp ở báo Thừa Thiên - Huế đã điện cho Ban quản lý di tích đón tiếp, vì thế khi vào đến nơi chúng tôi được đưa đi giới thiệu khá cặn kẽ về từng vị trí của khu Chín Hầm.

 

Chín Hầm là một chứng tích tội ác điển hình của chủ nghĩa thực dân đế quốc và tay sai, khét tiếng với hung danh “ địa ngục trần gian”, nằm trong hệ thống các di tích lịch sử cách mạng ở Thừa Thiên Huế, được xếp hạng cấp quốc gia ngày 16/12/1993. Ngày 30 tháng 4 năm 2006 tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cắt băng khánh thành công trình  “ Nhà tưởng niệm và Tượng đài bất khuất Di tích lịch sử cách mạng Chín Hầm” – một cụm công trình kiến trúc văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử đấu tranh cách mạng, một địa chỉ linh thiêng, thể hiện đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc đối với những tấm gương kiên trung, bất khuất và ý chí kiên cường của các chiến sỹ cách mạng, đồng bào trong ngục tù của chủ nghĩa đế quốc và chế độ  tay sai, độc tài Ngô Đình Diệm, mà trực tiếp là bạo chúa miền Trung - Ngô Đình Cẩn.

 

Sự hình thành khu vực Chín hầm và nhà tù “ Địa ngục trần gian” như sau: Tháng 9 năm 1940, phát xít Nhật được trang bị hỏa lực mạnh tràn qua Đông Dương gây chiến. Trước thế mạnh đó thực dân Pháp phải nhún nhường, nhưng với bản chất cáo già, chúng đã bí mật tìm chỗ để xây dựng cơ sở cất giấu lương thực, vũ khí đạn dược. Năm 1941 Pháp cho lực lượng công binh đào sâu vào chân đồi, xây dựng tám hầm nhà kho bằng bê tông cốt thép để chứa vũ khí, đạn dược và xây dựng thêm một nhà trại để làm bốt lính gác kho.

 

Năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, toàn dân tộc đứng dậy làm cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám, đánh đổ thực dân Pháp, đuổi phát xít Nhật. Cùng với cả nước, chính quyền nhân dân tỉnh Thừa Thiên được thành lập, cử người lên quản lý, bảo vệ khu vực kho vũ khí Chín Hầm. Tháng 9 năm 1945 Pháp bất ngờ nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, quay lại xâm lược Việt Nam, số bom han gỉ ở Chín Hầm lại được đưa lên chiến khu để chế thành tạc đạn phục vụ kháng chiến chống Pháp. Từ đấy khu Chín Hầm hoàn toàn bị bỏ trống.

 

Tháng 4 năm 1956, khi Ngô Đình Diệm đã yên vị ở ngôi Tổng thống, toàn bộ quyền lực thuộc về tay anh em gia đình họ Ngô, chúng dùng mọi thủ đoạn tàn bạo đối với bất cứ ai. Cuối năm 1956 Ngô Đình Cẩn, lãnh chúa miền Trung “tận dụng” Chín Hầm, xây dựng lại thành một nhà ngục đặc biệt với những khám giam tù chật hẹp (bằng xi măng cốt thép, kiên cố ) để nhốt các chiến sỹ cộng sản, các nhân vật chính trị đối lập, những thương gia giầu có, các tăng ni, phật tử, học sinh, sinh viên... có tư tưởng tiến bộ chống lại quân xâm lược Mỹ và gia đình trị họ Ngô.

 

Toàn bộ khu vực Chín Hầm được bao bọc cẩn mật bằng hai lớp bảo vệ. Lớp thứ nhất là một vùng cấm tuyệt đối, rộng hàng ngàn hécta, với những chốt chặn các ngả vào, ra. Trên một ngọn núi cao đối diện là những chòi canh bằng bê tông rất kiên cố, có thể nhìn thấy toàn bộ các hoạt động xảy ra ở khu vực Chín Hầm. Lớp thứ hai là một hàng rào dây thép gai ken dày bao quanh chân quả đồi cùng một lực lượng mật vụ và chó săn canh phòng nghiêm ngặt suốt ngày đêm, chỉ mở mỗi khi có xe chở tù  đến hoặc đưa đi nơi khác. Ngoài ra còn một đám mật vụ cơ động luôn sục sạo quanh vùng Chín Hầm theo lệnh của Cẩn.

 

Hầm số VIII nằm hơi sâu dưới lòng đất, có một cửa chính ra vào, rộng 1,5 mét, cao 2 mét làm bằng thép đặc biệt, một lỗ thông hơi hình vuông 0,5 m X 0,5 m, có chấn song sắt to tròn. Phía trước xà lim đóng kín bằng một cánh cửa gỗ, chung quanh nền hầm đào sâu xuống sàn một hào nhỏ nên nước ứ không thoát được.

 

Mỗi phòng giam được lót một tấm ván hẹp để tù nhân nằm và một xô tôn để đi vệ sinh. Hầm này Ngô Đình Cẩn đã giam giữ những chiến sỹ cộng sản như các ông Phan Trọng Tịnh, Nguyễn Minh Vân, Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Đình Trân, Chín Thính, Nguyễn Văn Hội, Nguyễn Văn Nại, Lê Văn Hoàng, Lý Văn Liễn, Nguyễn Hữu Đà, Nguyễn Đình Tỉnh, Bùi Bá Vu và nhiều người khác.

 

Việc chuyển tù nhân từ các trại khác đến Chín Hầm cũng bí mật, bị bịt mắt, chở vào ban đêm. Nếu phải chở ban ngày thì chúng dùng xe bịt bùng, bịt mặt người tù rồi đạp họ nằm xuống sàn xe. Những người bị Cẩn đưa vô Chín Hầm thì coi như cầm chắc cái chết đến chín mươi chín phần trăm. Những tù nhân bị  giam ở Chín Hầm phải chịu cực hình tra tấn tàn khốc, lên đến cực điểm cả về tinh thần lẫn thể xác. Những tù nhân chính trị là Cộng sản thì bị hành hạ nặng nề và tàn khốc hơn. Chúng nhốt mỗi người trong một xà lim theo kiểu chuồng cọp, chỉ rộng hơn chiếc quan tài một tý, ăn, ngủ, vệ sinh đều trong chiếc quan tài ấy.

 

Hàng ngày cơm hẩm hai bát sáng chiều với vài ngọn rau muống già, dăm ba hạt muối hoặc một ít mắm thối. Nhiều khi cả ngày chúng không cho hạt cơm nào. Nước uống thì được múc từ dưới hồ lên nhưng lúc có, lúc không. Ban ngày ánh sáng buồng giam mờ mờ, ảo ảo, ban đêm thì tối đen như mực và cơ man nào là muỗi, chuột và cả rắn nữa. Không khí thiếu thốn đến ngạt thở. Cả căn hầm tràn ngập mùi hôi thối bốc lên từ xác chết của chuột, mùi sủng mục của nước ứ đọng, mùi máu mủ từ các vết thương lở lóet của tù nhân trộn lẫn mùi phân người. Chúng giết người theo kiểu “ tra tấn vào đêm khuya, bắt tù nhân không ngủ được mà đứng liên tục nhiều ngày, để cho giọt nước cứ nhỏ trên đầu; đánh vào chỗ hiểm, chỗ những vết thương đang lở loét. Biệt giam vào ngục tối để hành hạ, dày vò tinh thần.

 

Dưới hầm tối tù nhân phải chịu vô số âm thanh hỗn độn động vào tai, hít thở mùi hôi thối, chống chọi với cái lạnh mùa đông. Mùa hạ trong hầm nóng như lò lửa, mùa mưa nước ngập lênh láng và những cơn đau dày vò thể xác mà không thuốc thang chữa trị. Chúng mặc cho tù nhân quằn quại, chết dần chết mòn một cách dai dẳng, đau đớn thể xác mà không chết ngay được.

 

15 tù nhân chính trị trong số hàng trăm tù nhân là cán bộ lãnh đạo, tình báo cách mạng mà bọn chúng xếp vào loại “ ngoan cố, cứng đầu” đã bị Ngô Đình Cẩn và tay chân tống giam, tra tấn, bỏ đói đến chết, có 11 người đã hy sinh tại tử ngục Chín Hầm, đến nay có người vẫn chưa tìm  ra xác. (Vào cuối năm 2008, được sự hỗ trợ của Tổng cục II – Bộ Quốc phòng, Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang đã tiến hành khảo tả, phục dựng lại căn hầm gần như nguyên trạng. Ngày 26/3/2009, nhân kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng Thừa Thiên – Huế, căn hầm đã được Ban Quản lý di tích đưa vào phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan, giáo dục truyền thống....).

 

Trưa ngày 01 tháng 11 năm 1963, tại Sài Gòn đã nổ ra cuộc đảo chính do tướng Dương Văn Minh cầm đầu, lật đổ chế độ tàn bạo của Ngô Đình Diệm. Sáng ngày mồng 3 một toán quân đảo chính tràn qua khu biệt cung của Ngô Đình Cẩn và kéo sang khu Chín Hầm, phát hiện ra những xà lim nhốt người bí mật này, họ đã phá tung các phòng giam, giải thoát tù nhân. Riêng ba tù nhân “ đặc biệt” ở giam hầm số VIII chúng lấy dây thừng trói lại rồi xốc lên xe đưa về giam tại lao Ty xá Công an Thừa Thiên để tiếp tục nghiên cứu, đó là các ông Nguyễn Minh Vân, Nguyễn Văn Quý và người chiến sỹ tình báo của quê lúa Thái Bình – Bùi Bá Vu (khi bị giam ở Chín Hầm thường gọi là Hai).

 

Sách “Tử ngục Chín Hầm và những điều ít biết về Ngô Đình Cẩn”, viết về cụ Vu như sau: “ ông Bùi Bá Vu ( ? – 1965), Tổ trưởng tổ tình báo; người thôn Kim Bảng, huyện Đông Quan - nay là huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. ông tham gia cách mạng từ những ngày đầu của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám /1945. Vào Đảng năm 1948, rồi trở thành huyện ủy viên huyện Đông Quan.

 

Sau hiệp định Genève 1954 một thời gian, ông được tổ chức phái vào miền Namon> hoạt động bí mật. Hoạt động tại địa bàn Sài Gòn, ông bị quân mật vụ của Ngô Đình Diệm theo dõi, bắt trên đường công tác vào năm 1958. Lúc đầu chúng giam ông ở Sài Gòn, sau chúng chuyển ông ra Huế, giao cho Ngô Đình Cẩn xử lý. Cẩn dùng chính sách kêu gọi “ chuyển hướng”, mua chuộc nhưng không có kết quả, Cẩn tức điên nên ra lệnh cho bọn mật vụ tra tấn mạnh và tống lên Chín Hầm. ông bị giam trong một xà lim cùng căn hầm số VIII với một số người đã nêu ở trên.

 

Ngày 03/11/1963 quân đảo chính của Dương Văn Minh kéo lên phá nhà ngục Chín Hầm, chúng đưa ba ông về giam tại lao Ty xá Công an Thừa Thiên. Giam một thời gian, nhóm quân đảo chính ở Huế được lệnh  cho chuyển số tù nhân này vào Sài Gòn bằng tầu hỏa để giam tiếp, nhưng không đủ bằng chứng để ghép tội.

 

Mặt khác nhờ phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn đòi chính quyền Nguyễn Khánh phải thả hết tù nhân chính trị bị chế độ Diệm bắt giữ, bên cạnh có sự hỗ trợ lo lót của tổ chức, ông đã được phóng thích cùng một số đồng chí khác vào tháng 5/1964. Ra tù ông lại bắt tay vào hoạt động. Năm 1965 trên đường công tác ông bị tai nạn, chết tại Sài Gòn. Lúc mất chức vụ của ông tương đương Tiểu đoàn phó”.

 

Trân trọng  trước hành động dũng cảm và kiên trung của người con quê hương, tôi đã liên hệ ngay với một số người họ Bùi song không có kết quả. Sau đó tôi liền đem sách về quê để cha tôi, (Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng -  cán sự ủy ban kháng chiến hành chính  huyện Đông Quan từ năm 1952) đọc và qua đó hy vọng sẽ lần ra được địa chỉ chính xác quê cụ Bùi Bá Vu. Từ các nguồn tin chưa chính thống do một số cụ từ thời chống Pháp trao đổi, cha tôi đã đạp xe sang các xã lân cận để hỏi dò từ các dòng họ.

 

Gặp Ban Thường vụ Đảng ủy các xã Đông La, Đông Sơn; gặp cụ Phạm Huy Phả quyền Chủ tịch huyện Quỳnh Côi cũ, cán bộ tiền khởi nghĩa, hiện ở xã Đông Sơn, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, năm 1949 - 1950 cụ Khả cùng Ban chi ủy với cụ Vu (cụ Vu là Bí thư chi bộ xã Huy Quang, cụ Khả là chi ủy viên, bí thư nông hội xã). Thế rồi địa chỉ chính thức của quê cụ đã được lần ra.

  

 Trước hết nói về tên thôn Kim Bảng – quê cụ Vu như trong sách đã in là không có. Tôi đã tra cuốn “ Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (các tổng trấn xã danh bị lãm) thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra, do Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Nhà xuất bản Khoa học xã hội - Hà Nội, xuất bản năm 1981; rồi cuốn “Tên làng, xã tỉnh Thái Bình qua các thời kỳ” do Hội VHNT Thái Bình xuất bản, nộp lưu chiểu tháng 01 năm 1993, cả phần tên Nôm và tên Hán Việt đều không thấy. Và hỏi các cụ mà cha con tôi đã gặp cũng không biết thôn Kim Bảng. Tôi thiển nghĩ: có thể là địa chỉ này do cụ tự khai để đánh lạc hướng của địch. Hoặc tên của xã cụ trước đây là Huy Quang  (quê của cụ Phạm Huy Quang, một thủ lĩnh chống Pháp tiêu biểu của tỉnh Thái Bình), chữ Kim Bảng là kiểu chiết tự chăng?

 

Quê  của cụ là: Làng Giống ( tên Nôm), tên Hán Việt là Cổ Dũng; hiện nay là thôn Anh Dũng, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình ( sát Thị trấn Đông Hưng), bên quốc lộ số 10 đi Hải Phòng. Từ sau Cách mạng Tháng tám 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là xã Huy Quang. Năm 1956 Thái Bình tiến hành cải cách ruộng đất ( đợt 5) các xã được chia nhỏ ra, xã Huy Quang được tách thành các xã Đông La, Đông Sơn, Đông Thuần. Tháng 10/1969, thực hiện Quyết định số 93/CP ngày 17/6/1969 của Hội đồng Chính phủ, hai huyện Đông Quan và Tiên Hưng sáp nhập thành huyện Đông Hưng như hiện nay.

 

Theo giấy chứng nhận số 1228/CN-CT, ngày 20/10/2005 của Cục Chính trị - Tổng cục II - Bộ Quốc phòng, do Đại tá Nguyễn Quang Trung ký, chứng nhận lý lịch trích ngang của cụ như sau:

“- Đồng chí Bùi Bá Vu – Bí danh: Phương.

- Năm sinh: 1915.

- Quê quán: Xã Huy Quang, huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình ( nay là xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).

- Vào Đảng: tháng 5 / 1948.

- Nhập ngũ: Tháng 10/1954.

- Chức vụ: cán bộ cơ sở.

- Đơn vị: Cục Nghiên cứu - BTTM ( nay là Tổng cục II – BQP).

- Hy sinh: 21/2/1965.

- Quá trình công tác: Năm 1936 tham gia phong trào đình công của mỏ than Cẩm Phả. Năm 1943 tổ chức đình công tại sở dầu của Nhật. Năm 1947 là ủy viên Hội nông dân cứu quốc. Năm 1949 Bí thư chi bộ xã. Năm 1951 huyện ủy viên phụ trách cơ sở địch hậu. Năm 1952 công tác tại thị xã Thái Bình. Từ tháng 3/1952 đến tháng 11/1952 bị địch bắt tù đầy. Tháng 10 năm 1954 nhập ngũ, công tác tại Cục Quân báo, sau đó đi B cho đến ngày hy sinh.

 

Quá  trình công tác trong Quân đội đồng chí Bùi Bá Vu chưa được xét khen thưởng Huân, Huy chương các loại.”

 

Ngày  01/4/1978, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình đã có giấy báo tử số 31.882, báo tin và chứng nhận

Đồng chí: Bùi Bá Vu

Chức vụ: Cán bộ tình báo.

Đơn vị: Cục Nghiên cứu - Bộ Tổng Tham mưu.

Nguyên quán: Xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Nhập ngũ: năm 1954.

Ngày vào Đảng: 5/1948. Chính thức: 8/1948.

Vợ: Bùi Thị Giáo.

Đồng chí: Vu đã hy sinh ngày 21 tháng 02 năm 1965 tại: Mặt trận phía Namon>

Trong trường hợp: vì sự nghiệp chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc.

Được xác nhận là: liệt sỹ

Thi hài an táng tại: khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận”.

 

Cụ  Bùi Bá Vu đã được cấp Bằng Tổ quốc ghi công tại quyết định số 683/TTga, ngày 28/6/1978. Bằng Tổ quốc ghi công mang số 5S 033b/ CL (Bằng Tổ quốc ghi công cũ đã bị nát, gia đình đã làm thủ tục đổi lại Bằng mới, được Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 22/12/2008). 

 

Trong cuốn lịch sử Đảng bộ huyện Đông Hưng 1927 – 2005, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Hà Nội xuất bản năm 2007, tại trang 626 “Danh sách BCH đảng bộ huyện Đông Quan – Tiên Hưng 1951”, có 41 đồng chí, trong đó “ Đồng chí Vu - ủy viên” xếp thứ 22. Tại trang 628 “Danh sách BCH đảng bộ huyện Đông Quan – Tiên Hưng 1952” có 35 đồng chí, trong đó “ Đồng chí Vu - ủy viên” xếp thứ 21.

 

Trong cuốn lịch sử Đảng bộ thị xã Thái Bình 1927 – 2000, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Hà Nội xuất bản năm 2004, trong “ Danh sách BCH, Ban Cán sự đảng bộ thị xã Thái Bình giai đoạn 1950 - 1954”, có 13 đồng chí (tư liệu do đồng chí Nguyễn Văn Tuynh, đồng chí Phùng Tất ứng, đồng chí Nguyễn Đức Thành cung cấp), trong số đó có 03 đồng chí chỉ ghi tên (không rõ họ), có tên” Đồng chí Phương “.  Không hiểu đây có phải là tên bí danh của cụ Vu hay không? Ngoài ra, theo cụ Phạm Huy Phả thì cụ Vu có thời gian còn làm Bí thư xã Hoàng Diệu nữa, song do bận công việc nên tôi chưa sang xã Hoàng Diệu để xác minh thông tin này được.

 

Tôi đã trực tiếp về quê cụ, song đáng tiếc chỉ gặp được hai người cháu của cụ. Qua tìm hiểu tôi được biết gia đình còn giữ được bức ảnh chụp cụ lúc ra tù (hiện nay ảnh đã cũ, gia đình người con dâu cả đang phục hồi).

 

Cụ  Bùi Bá Vu có ba anh em trai, cụ là lớn nhất. Người em thứ hai là Bùi Bá Chí, hy sinh năm 1951, là liệt sỹ chống Pháp. Em út là Bùi Bá Trừng, là tự vệ của mỏ than Cẩm Phả, đã hy sinh nhưng chưa được xác  định là liệt sỹ.

 

Cụ  Bùi Bá Vu, có vợ là Bùi Thị Giáo (sinh năm 1915, người cùng quê, mất năm 1991 tại Bình Thuận), sinh được hai con trai là Bùi Bá Cường và Bùi Mạnh Thắng.

 

Theo gia đình cho biết thì sau khi ra tù, cụ Vu tiếp tục vào Sài Gòn hoạt động, nhưng bị lộ và bị ám sát tại công trường xây dựng nơi cụ  làm việc (theo ông Nguyễn Văn Tiến là cơ sở nơi cụ Vu trú ngụ – hiện đã mất, có kể lại thì trong khi làm việc bị thanh sắt phía trên rơi trúng người).

 

Qua người con dâu cả (Trần Thị Hồng), tôi được biết thi hài của cụ Bùi Bá Vu được chôn tại nghĩa trang Bắc Việt gần Sân bay Tân Sơn Nhất, khi nghĩa trang bị giải tỏa đã được gia đình cải táng và đưa về Đức Linh, Bình Thuận năm 1987, an táng cùng người thân. Hiện nay gia đình, địa phương đã làm các thủ tục để công nhận cụ là lão thành cách mạng và tặng thưởng Huân chương cho cụ.

 

Lê Thanh Thưởng

Hội Nhà báo tỉnh

  • Từ khóa