Thứ 3, 07/05/2024, 04:14[GMT+7]

Liệt sỹ Trịnh Công Siêu Như cây Ruối bên đường ngàn năm tươi tốt mãi

Thứ 5, 04/08/2011 | 14:33:09
5,157 lượt xem
Liệt sỹ Trịnh Công Siêu sinh năm 1920, nguyên quán làng Cổ Tiết, xã Liên Phương, huyện Đông Quan nay là xóm 7, thôn Hương Hòa, xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Năm 1940 Trịnh Công Siêu được người anh ruột là Trịnh Công Bỉnh đưa vào tham gia hoạt động trong phong trào đấu tranh của công nhân Nhà máy Dệt Nam Định, truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin, tham gia rải truyền đơn, vận động công nhân giác ngộ cách mạng.

Trước ngày khởi nghĩa (19/8/1945) ông Trịnh Công Siêu trở về quê, tham gia tổ chức cách mạng biểu tình cướp chính quyền, lật đổ chế độ đế quốc phong kiến dựng lên chính quyền Cách mạng lâm thời. Ông đã được kết nạp vào Đảng Cộng sảnViệt Namon>. Sau đó được cử giữ chức vụ Đội trưởng Đội tự vệ của xã Liên Phương – một tổ chức tiền thân của lực lượng Công an nhân dân ngày nay.

 

Trong thời kỳ chính quyền cách mạng non trẻ, thù trong giặc ngoài, cùng một lúc phải đấu tranh với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, nhất là phải đấu tranh phá tan âm mưu của bọn tay sai phản động chống phá lật đổ chính quyền Cách mạng , đội trưởng Trịnh Công Siêu cùng các chiến sỹ tự vệ đã trở thành lực lượng tin cậy của Đảng, của Cách mạng.  Đội trưởng Siêu đã chỉ huy đơn vị mưu trí, dũng cảm và tích cực trinh sát nắm địch tình, cung cấp nhiều thông tin giá trị cho chính quyền kháng chiến; cùng cán bộ kháng chiến địa phương và Đội tự vệ phá tan nhiều âm mưu của bọn phản cánh mạng để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ ở địa phương.

 

Sau Cách mạng 8-1945, một lực lượng phản động nổi lên chống phá Cách mạng quyết liệt  lúc đó là bọn Quốc dân Đảng. Chúng dùng những âm mưu, thủ đoạn thâm độc thuyết phục, dụ dỗ và đe dọa nhằm mua chuộc cán bộ cách mạng, nếu không được thì thủ tiêu để dễ bề phá hoại thành quả Cách mạng. Chúng đã nhiều lần thuyết phục, dụ dỗ và đe dọa nhằm mua chuộc Đội trưởng Siêu đi theo chúng, chống lại Đảng, chính quyền cách mạng nhưng không thành.

 

Trước mọi lời đường mật, ngon ngọt, mang cả vật chất ra cám dỗ cộng với những lời đe dọa quyết liệt của bọn Quốc dân đảng, đội trưởng Trịnh Công Siêu vẫn vững vàng, kiên trung một lòng theo Đảng, bảo vệ cách mạng, bảo vệ chính quyền nhân dân. Sau nhiều lần tìm mọi cách mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa đều thất bại, bọn phản động đã lên phương án thủ tiêu người đội trưởng với mục đích loại bỏ thủ lĩnh, đi đến xóa sổ đội tự vệ, từ đó lật đổ chính quyền cách mạng ở xã .

 

Ngày 27 tháng 6 (âm lịch) năm 1946 tại diệc mạ gốc cây ruối miếu Me (thôn Gia Hòa, xã An Vinh ngày nay) đã diễn ra cuộc chiến đấu giữa đội trưởng Trịnh Công Siêu với 7 tên  phản động.

 

Chiều ngày 27 tháng 6 (âm lịch) năm 1946, bọn phản động Quốc dân đảng bí mật cho một người có họ hàng với đội trưởng Siêu rủ ông ra ngoài ngã tư Kênh (giao điểm giữa quốc lộ số 10 và đường liên xã ngày nay) có công chuyện. Khi đội trưởng Siêu đi đến ngã tư Đồng Giàng (thuộc xóm 11, thôn Hương Hòa), ông Nguyễn Văn Viêm (lúc đó là Vệ quốc đoàn) có hỏi “ Anh Siêu đi đâu đấy?” Ông Siêu trả lời “Tôi đi có chút việc, khoảng 8 giờ 30 phút tối tôi sẽ về”. Khi ra đến ngã tư Kênh, ông Siêu linh cảm có việc không lành nên đã tìm cách ra về. Nhưng không kịp, bọn chúng đã giăng bẫy sẵn. Đội trưởng Siêu về đến cây ruối (miếu Me, thôn Gia Hòa), thì bất ngờ, tên cầm đầu đã chủ động lao ra đâm chém ông tới tấp. Là một đội trưởng có sức vóc to lớn, lại giỏi võ nghệ, ông đã dũng cảm đánh trả lại quyết liệt. Nhưng một mình ông tay không phải chống lại “bầy sói” 7 tên có vũ khí trong tay quả là một cuộc chiến không cân sức. Song cũng phải một hồi lâu, trên khu diệc mạ liền kề miếu Me bọn chúng mới sát hại được người đội trưởng kiên cường dũng cảm. Chúng đã đâm ông 11 vết thương, trong đó vết thương nặng nhất từ một con dao nhọn đâm trúng ngực sang tận sau lưng.  Sau khi sát hại người đội trưởng, bọn phản động đem xác Ông dìm xuống sông Diêm (sông Cầu Vật) dưới bãi bèo bồng (bèo Nhật Bản) để phi tang.

 

Tối ngày hôm đó, ông Nguyễn VănViêm sang nhà ông Trịnh Công Tố (Đội phó Đội tự vệ) hỏi xem anh Siêu đã về chưa?  Ông Tố trả lời chưa thấy về . Ông Viêm linh cảm có điều gì xảy ra với ông Siêu mới kể lại chuyện ban chiều cho ông Tố nghe. Liền sau đó, hai Ông cùng một số anh em trong Đội tự vệ đi ra hướng ngã tư Kênh để tìm ông Siêu. Đi đến miếu Me thấy trên diệc mạ bị dầm nát, chiếc khăn đội đầu của ông Siêu trong vũng máu. Mọi người soi đèn, đuốc theo vết máu để đi tìm suốt đêm. Đến sáng hôm sau có thêm người nhà ông Siêu cùng đi tìm khắp nơi nhưng không thấy. Mãi đến khoảng 3 giờ chiều ngày 28 tháng 6 (âm lịch) mới tìm thấy xác người đội trưởng anh hùng.

 

Nhân dân trong làng, xã rất hoang mang, xôn xao bàn tán và có vẻ lo sợ. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Thái Bình đã điều Đội cảnh vệ về đóng tại xã để trấn an cho nhân dân. Lực lượng Công an tỉnh Thái Bình và trinh sát huyện đã nhanh chóng điều tra và bắt gọn bọn phản động Quốc dân đảng gồm 24 tên ở Cổ Tiết, trong đó có hai tên chủ mưu là: Nguyễn Đức Tuyết và Bùi Văn Tuận.

 

Từ kết quả phá án ban đầu đó, lực lượng Công an và trinh sát đã đột nhập vào Chùa Vè (Đồng Kỷ) nơi Quốc dân đảng chuẩn bị mở lớp tập huấn chống phá Cách mạng thu nhiều tài liệu và phương tiện hoạt động của chúng ; theo danh sách tài liệu thu được công an tỉnh và trinh sát của ta đã bắt giữ 55 phần tử Quốc dân dảng (21 tên ở Đồng Kỷ, 14 tên ở Tràng Lũ, 20 tên ở Đào Động). Riêng tại Lộng Khê ta đã bắt giữ 2 tên cầm đầu Quốc dân đảng thu 1 súng ngắn và giải tán tổ chức này. Lê Văn – tên cầm đầu và 2 tên (Nguyễn Đức Tuyết và Bùi Văn Tuận) chủ mưu sát hại ông Siêu đã bị Tòa án Liên khu III xét xử tử hình; số phần tử còn lại đều lĩnh những hình phạt thích đáng.

 

Chiến công phá tan nhiều âm mưu của bọn phản cánh mạng để bảo vệ cán bộ cách mạng, bảo vệ chính quyền cách mạng và hành động hy sinh dũng cảm của người Đội trưởng Đội tự vệ xã cùng với thành công của vụ án tiêu diệt tổ chức phản cách mạng ở địa bàn xã, huyện đã góp phần to lớn tạo thế vững chắc của vùng du kích trọng yếu trong suốt thời kỳ kháng chiến, cùng với vùng du kích Tây Sơn, Việt Cường là căn cứ địa của huyện Đông Quan có ý nghĩa quyết định thành công cuộc kháng chiến trên địa bàn toàn huyện cũng như trong toàn tỉnh.

 

Lòng yêu nước kiên trung, tinh thần chiến đầu hy sinh đến giọt máu cuối cùng của người đội trưởng tự vệ Trịnh Công Siêu đã được ghi lại và lưu giữ ở Bảo tàng lịch sử Công an tỉnh Thái Bình và Công an huyện Quỳnh Phụ; trong lịch sử của Đảng bộ và nhân dân xã An Vinh – Đơn vị anh hùng LLVTND ghi rất rõ nhiệm vụ, công lao, thành tích và tinh thần chiến đấu kiên cường của Liệt sỹ Trịnh Công Siêu.Năm 1970, đội trưởng Trịnh Công Siêu được Nhà nước truy tặng là Liệt sỹ; hài cốt của ông đã được an táng trong Nghĩa trang liệt sỹ xã An Vinh, Quỳnh Phụ, Thái Bình.

 

65 năm, kể từ ngày liệt sỹ Trịnh Công Siêu hy sinh, cây Ruối bên đường – nơi người đội trưởng tự vệ Trịnh Công Siêu chiến đấu đên giọt máu cuối cùng chứ nhất định không chịu đầu hàng bè lũ phản động - cứ lớn lên và xanh tốt. Để tưởng nhớ đến những người có công với làng, với nước, cũng là tri ân tinh thần quả cảm của Liệt sỹ  Trịnh Công Siêu, nhân dân thôn Gia Hòa đã xây dựng nên ngôi miếu nhỏ bên đường. Vừa qua, được sự ủng hộ của các cấp chính quyền, của những người con xa quê, của nhân dân trong làng xã, ngôi miếu Me đã được tôn tạo lại khang trang, đẹp đẽ.

 

Lã Quý Hưng

Thường trú Báo Đầu tư

  • Từ khóa